Tái nhiễm nCoV - hiện tượng mơ hồ với cả thế giới
Trường hợp tái nhiễm của Nicole Worthley, 37 tuổi, giáo viên tại một trung tâm chăm sóc trẻ ở bang Nam Dakota, Mỹ, được coi là hiếm xảy ra. Cô được chẩn đoán mắc Covid-19 vào tháng 3 và một lần nữa vào tháng 9. Worthley đã trải qua cơn sốt kéo dài và các phản ứng phụ suốt mùa hè trước khi được xác định tái nhiễm nCoV.
"Lần này thì có dễ chịu hơn", cô nói. "Tôi chỉ sốt trong 17 ngày". Cô bị tiêu chảy, mất vị giác và một số vấn đề về hô hấp, nhưng không tệ như lần nhiễm đầu tiên. Tuy nhiên, hơn một tháng sau, cô gặp vấn đề về khứu giác và những cơn ho vẫn kéo dài.
Nhiều bang tại Mỹ đang theo dõi các trường hợp tương tự, như Nam Dakota đang nghiên cứu ít nhất là 28 trường hợp, bang Washington 120 trường hợp. Ở bang Colorado, 241 người đã có kết quả xét nghiệm PCR dương tính lần thứ hai, cách lần đầu tiên hơn 90 ngày. Các trường hợp này đều được coi là hiếm và bất thường, theo các chuyên gia y tế.
Với bệnh sởi, sau khi bị nhiễm hoặc được tiêm chủng, hệ thống miễn dịch sẽ giúp cơ thể miễn dịch với virus này về sau. Với các loại virus khác, như cảm lạnh thông thường - một số có liên quan mật thiết với virus gây ra Covid-19, khả năng bảo vệ có thể ngắn hơn, một năm, hoặc thậm chí một mùa. Covid-19 xuất hiện cách đây chưa đầy một năm, vì vậy các nhà khoa học vẫn chưa biết cơ thể có thể chống lại nó trong bao lâu.
Đến nay, chỉ vài chục người trên toàn thế giới được xác nhận đã bị nhiễm hai lần nCoV. Một người đàn ông ở Hong Kong không biết mình đã bị nhiễm virus lần thứ hai cho đến khi được kiểm tra định kỳ khi trở về nhà sau một chuyến đi đến Italy. Một người đàn ông khác, 25 tuổi, ở Nevada, Mỹ, lần thứ hai ốm nặng hơn.
Trong cả hai trường hợp, phân tích di truyền đã chứng minh rằng họ bị nhiễm hai lần, với các phiên bản nCoV khác nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo về ca tái nhiễm, nhưng chúng tương đối hiếm cho đến nay.
Người phát ngôn của WHO cho biết: "Hiểu biết hiện tại của chúng tôi về phản ứng miễn dịch là phần lớn những người bị nhiễm đều có phản ứng miễn dịch trong vòng vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu về thời gian tồn tại của các kháng thể. Các dữ liệu cho thấy phản ứng miễn dịch có thể kéo dài trong vài tháng".
Cơ quan Kiểm soát Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cho biết đang tích cực nghiên cứu các trường hợp nghi ngờ tái nhiễm, mặc dù chưa có trường hợp nào được xác nhận. "Cuộc điều tra của CDC về hiện tượng tái nhiễm đang ở giai đoạn đầu", đại diện CDC cho biết.
Jeffrey Shaman, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia, người đang nghiên cứu về sự tái nhiễm, cho biết vẫn còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, như: Sự tái nhiễm có thể xảy ra với tần suất bao lâu, trong bao lâu, người bị tái nhiễm có ít trường hợp nghiêm trọng hơn ở lần thứ hai hay bị nặng hơn?
Shaman cho rằng con người có thể không tạo được miễn dịch với lần nhiễm trùng đầu tiên và cần tiếp xúc nhiều lần để xây dựng khả năng miễn dịch. Nếu vậy, vaccine có thể gặp vấn đề tương tự và sẽ không hiệu quả lắm. Hoặc con người có thể nhận được kháng thể chống lại virus nhưng sau đó mất chúng. Trong trường hợp đó, lợi ích của vaccine có thể không kéo dài.
Trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra tương tự như với bệnh sốt xuất huyết. Trong trường hợp mắc bệnh nhiệt đới do muỗi truyền, người bệnh có thể bị nặng hơn nếu nhiễm lần thứ hai hoặc nhiễm sau khi chủng ngừa. Đôi khi bệnh mới bùng phát có thể trở thành dịch bệnh lưu hành, trở lại năm này qua năm khác.
Vẫn chưa rõ ai đó có thể lây nhiễm nCoV trong bao lâu nếu các triệu chứng của họ kéo dài hoặc tái phát.
Một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho thấy 18% bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Italy có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi khỏi các triệu chứng và xét nghiệm âm tính.
Cho đến khi các nhà khoa học tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, những người đã bị nhiễm một lần không nên cho rằng họ được bảo vệ vô thời hạn và nên tiếp tục đeo khẩu trang, rửa tay, duy trì khoảng cách và tránh đám đông, giáo sư Shaman nói.
Giờ đây, Worthley cho biết cô không tự tin về việc được bảo vệ khỏi virus. Vì vậy cô luôn đeo khẩu trang. "Tôi luôn có cả đống khẩu trang trong xe của mình", cô nói.
Worthley cũng đã hiến huyết tương của mình, hy vọng kháng thể mà hệ thống miễn dịch của cô đã phát triển có thể giúp nghiên cứu chống lại Covid-19.
Bảo Châu (Theo USA Today)
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo