'Bệnh bạch hầu không chừa một ai'
Thông tin được chia sẻ trong buổi Tọa đàm về bệnh bạch hầu phát trực tiếp trên VnExpress, fanpage VnExpress, fanpage VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn tối ngày 28/6.
Chương trình có sự tham gia của bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Giảng viên bộ môn Miễn dịch - Sinh lý bệnh, Đại học Y Dược TP HCM, Phó giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do vi trùng gây ra, lây qua đường hô hấp, vật tiếp xúc khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Nếu người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp với bề mặt tiếp xúc đều có thể bị lây bệnh.
Không phải chủng vi khuẩn bạch hầu nào cũng gây bệnh. Độc tính gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu là do ngoại độc tố vi khuẩn tiết ra trong quá trình sinh trưởng. Khi độc tố được tiết ra sẽ xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể và phá hủy các chuỗi protein của tế bào, gây hoại tử tế bào. Tính độc và gây tử vong phụ thuộc vào loại độc tố, vị trí gây bệnh.
Bác sĩ Hiền Minh cho biết, biến chứng nghiêm trọng nhất là biến chứng lên tim. Khoảng 30% người mắc bệnh bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, suy tim, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biến chứng liên quan đến thần kinh chiếm khoảng 5% đối với những bệnh nhân nhiễm bệnh bạch hầu thể nặng, có thể tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và hệ thần kinh trung ương. Ban đầu chỉ là vùng hầu họng khiến khàn tiếng hoặc khó nuốt, nhưng nếu liệt những vùng cơ quan khác, thậm chí liệt vùng mắt, thanh khí quản hay các dây thần kinh hỗ trợ cơ hô hấp có thể khiến bệnh nhân khó thở hoặc thậm chí tử vong.
Tình trạng suy hô hấp có thể diễn tiến rất nhanh, vì khi độc tố vi khuẩn tấn công vùng hầu họng sẽ tạo ra những giả mạc. Các giả mạc này phình to ra, xâm lấn quá nhiều, gây chít hẹp đường hô hấp, gây tắc nghẽn đường hô hấp và dẫn đến suy hô hấp, tử vong.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), sau khi có chương trình tiêm chủng mở rộng, từ những năm 1981, bệnh bạch hầu đã giảm rất nhiều. Trong nhiều năm, bệnh không xảy ra trên phạm vi cả nước, thế nhưng vài năm gần đây, bạch hầu quay trở lại, nhất là ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên. Gần đây nhất, dịch xảy ra tại Đăk Nông, Kon Tum - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
"Nếu không phòng chống và tiêm chủng tốt, bệnh sẽ bùng phát, nhất là hiện nay sự giao lưu đi lại giữa các vùng với nhau rất thuận tiện. Tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ em và người lớn là cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu", Phó giáo sư Trần Đắc Phu nói.
Tầm quan trọng của tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu
Nằm trong nhóm B những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp, nên bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khi bị bạch hầu sẽ bắt buộc phải cách ly y tế tương tự như Covid-19.
Những nhóm người có nguy cơ tử vong cao thường dưới 15 tuổi, trên 40 tuổi, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang có đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể, ví dụ thay van tim nhân tạo hoặc đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch...
Theo bác sĩ Chính, bệnh bạch bầu không chừa một ai, bất kỳ người nào cũng có thể mắc bệnh, nhất là trong tình hình có nhiều ca mắc như hiện nay, khả năng lây lan và bùng phát thành dịch cao, khiến nhiều người lo lắng. Người lớn có thể lây cho những trẻ nhỏ trong nhà, nhất là những trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine. Do đó, người lớn, trẻ nhỏ cần tiêm vaccine để phòng bệnh.
Các bác sĩ khẳng định, vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, an toàn và ít chi phí nhất. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, vaccine có chứa kháng nguyên bạch hầu có thể dùng cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn, không giới hạn cho độ tuổi ở người lớn.
Có nhiều loại vaccine có thể phòng bệnh bạch hầu, phù hợp với mọi độ tuổi.
Từ năm 1990, Việt Nam đã sản xuất được vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng có vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B dành cho trẻ 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng. Khi trẻ 16-18 tháng tuổi có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Chương trình tiêm chủng quốc gia có loại vaccine bạch hầu, uốn ván nhưng vaccine này chỉ tiêm cho trẻ lớn và người lớn, chỉ tiêm chiến dịch khi có bệnh bùng phát, không tiêm chủng rộng rãi.
Tiêm chủng dịch vụ có nhiều vaccine phòng bệnh bạch hầu cho cả trẻ em và người lớn. Trẻ 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng có thể tiêm vaccine 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B; hoặc vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib. Khi 16-18 tháng, trẻ cần tiêm nhắc vaccine 6 trong 1 hoặc 5 trong 1. Khi trẻ vào cấp 1, tiêm một mũi vaccine 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Lúc trẻ lên cấp 2, tiêm vaccine 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Trẻ lớn và người lớn tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván bất cứ thời điểm nào và cũng nhắc lại mỗi 10 năm.
Bác sĩ Hiền Minh chia sẻ thêm, hiện nay, sử dụng vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu và các bệnh khác cho trẻ em và người lớn rất thuận tiện, không có chống chỉ định, tùy trường hợp bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine và lịch tiêm chủng phù hợp. Phụ huynh không nên lo lắng về việc trẻ tiêm phối hợp nhiều mũi trong một lần tiêm. Hệ miễn dịch của trẻ hàng ngày phơi nhiễm hàng trăm, hàng nghìn kháng nguyên, các yếu tố lạ, nên việc phối hợp vaccine không làm tăng gánh nặng cho hệ miễn dịch của trẻ, miễn là điều đó không ảnh hưởng đến tính an toàn và hiệu lực của vaccine.
Đối với lịch tiêm chủng hiện nay, nếu phụ huynh bỏ lỡ hoặc quên những mũi tiêm trước đó của con, bác sĩ sẽ xem xét và tư vấn lịch tiêm phù hợp. Tuy nhiên, để bảo vệ con trước bệnh bạch hầu và nhiều bệnh truyền nhiễm khác, cha mẹ cần cho con tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và đủ mũi.
Vaccine là biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả và chi phí thấp nhất trong các biện pháp phòng bệnh. Tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine rất thấp, phần lớn là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sưng, nóng, đỏ, đau hoặc sốt nhẹ. Tuy nhiên, ngay cả phản ứng nặng nếu được theo dõi sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng và theo dõi sau đó tại nhà, phát hiện sớm thì bác sĩ sẽ xử trí tốt các phản ứng sau tiêm. Cha mẹ không nên vì quá lo lắng mà không cho con tiêm vaccine phòng bệnh, vì khi mắc bệnh, nguy cơ tử vong hoặc để lại các di chứng còn nặng nề hơn rất nhiều.
Bác sĩ Chính tư vấn, tại các trung tâm tiêm chủng VNVC, 100% đều được bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm chủng. Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm hoặc người lớn tiêm cho bản thân cần thông tin đầy đủ về sức khỏe và các phản ứng ở lần tiêm trước để bác sĩ có chỉ định tiêm chủng chính xác.
Ngọc An - Hoàng Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ