Cẩn trọng đột quỵ khi nắng nóng
Người đàn ông 62 tuổi, ở Hà Nội, có bệnh nền cao huyết áp, được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngày 22/6. Tối hôm trước, bệnh nhân còn tỉnh táo, sinh hoạt và ngủ bình thường, tới sáng hôm sau đã hôn mê, liệt nửa người.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, tắc động mạch cảnh trong bên trái và động mạch cảnh não giữa. Tai biến xảy ra trong đêm nên không xác định được thời gian bắt đầu bị đột quỵ, bệnh nhân không được cấp cứu trong giờ vàng và vùng nhồi máu lớn nên việc can thiệp điều trị rất khó khăn.
Số bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não có dấu hiệu tăng lên khi trời nắng nóng. Theo bác sĩ Chi, nắng nóng không trực tiếp gây ra đột quỵ, song ảnh hưởng tới các bệnh mạn tính của người già để gây đột quỵ, ví dụ cao huyết áp, tim mạch. Tiết trời nắng nóng cũng khiến bệnh nhân quên uống thuốc hay đi khám lại, quên lời khuyên của bác sĩ, cũng khiến đột quỵ xảy đến.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người cao tuổi đột quỵ nhập viện cũng tăng hơn so với bình thường trong những ngày nắng nóng cao điểm. Theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, có 2 dạng đột quỵ là xuất huyết não và nhồi máu não. 80-85% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, 20-25% đột quỵ xuất huyết não.
"Với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, giờ vàng đối với sử dụng thuốc theo đường tĩnh mạch là 4,5 giờ. Còn các biện pháp để lấy cục máu đông, có thể kéo dài đến 6 giờ hoặc hơn", bác sĩ cho biết.
Bệnh nhân xuất huyết não nguy kịch nhất trong 24 giờ đầu tiên sau đột quỵ. Nếu đến bệnh viện trong giờ vàng, được xử trí tốt, tỷ lệ tử vong trong 30 ngày đầu tiên giảm nhiều lần.
Đã có nhiều khuyến cáo người nhà đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu ngay khi xảy ra đột quỵ, tuy nhiên, vẫn có trường hợp bệnh nhân tới cấp cứu muộn khiến điều trị khó khăn. Người nhà tin tưởng lời truyền miệng, sử dụng nhiều phương pháp dân giang như bấm huyệt nhân trung, trích máu đầu ngón tay, rồi trích máu dái tai, uống an cung hoàn... Các phương pháp rất quái lạ, chưa được khuyến cáo hoặc khoa học kiểm chứng khiến một số bệnh nhân bị chảy máu trong cơ thể rất nhiều, bác sĩ không thể đặt nội khí quản gây chậm trễ điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo, cấp cứu trong giờ vàng với mọi bệnh nhân đột quỵ đều rất quan trọng. Vì vậy, người nhà cần theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân phòng ngừa đột quỵ âm thầm xảy đến. Bên cạnh đó, gia đình không nên thực hiện bất cứ biện pháp sơ cứu nào chưa được kiểm chứng khoa học trên bệnh nhân đột quỵ.
"Trước khi được can thiệp, bác sĩ cần thời gian để xét nghiệm, chụp chiếu, hội chẩn cho bệnh nhân nên người nhà phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt, tránh gây ra di chứng sau này", bác sĩ Thắng nói.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử