Chưa có bằng chứng khẳng định vaccine phòng lao có thể chống Covid-19

Theo Nhandan 08:29 21/04/2020 - Y tế 24h
Các nghiên cứu quan sát trên thế giới cho thấy, những nước có chính sách sử dụng vaccine phòng chống lao - BCG phổ cập dường như ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19. PGS,TS Nguyễn Viết Nhung nhận định, đây là vấn đề nóng, các nhà nghiên cứu thế giới và Việt Nam cũng đang đi tìm hiểu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bằng chứng nào nói vaccine BCG phòng, chống lao có thể phòng Covid-19.
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia.
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Phổi Trung ương hiện đang được giao nghiên cứu đánh giá vai trò của vaccine BCG trong phòng, chống Covid-19.

Phóng viên Báo Nhân Dân điện tử có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, thành viên Hội đồng tư vấn kỹ thuật và chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phòng, chống lao về thực hư hiệu quả của vaccine BCG đối với phòng Covid-19 cũng như những bước đi của Việt Nam đối với việc nghiên cứu này.

Phóng viên: Thưa PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, ông có thể cho biết về mối liên hệ giữa vaccine phòng, chống lao BCG đối với việc phòng, chống Covid-19?

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Vaccine BCG là vaccine phòng, chống lao có từ lâu đời, được áp dụng từ năm 1921 và là vaccine dùng phổ biến nhất thế giới với 3 tỷ lượt tiêm lúc bấy giờ.

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và dựa trên các bệnh nhân đã mắc, các nghiên cứu quan sát (chưa phải thử nghiệm lâm sàng) cho thấy, những nước có chính sách sử dụng vaccine BCG phổ cập dường như ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Quan sát đó có nhiều yếu tố nhiễu nên không thể khẳng định được mối liên quan. Tôi cho rằng đó mới là một giả thiết, một gợi ý rất tốt cho các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên, đến bây giờ, chưa có bằng chứng nào nói vaccine BCG có thể phòng Covid-19. Nhưng đây là vấn đề nóng, các nhà nghiên cứu cũng đang đi tìm hiểu.

Trên cơ sở các nghiên cứu đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế nghiên cứu rà soát, gửi công văn giao Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đề xuất triển khai đánh giá vai trò của vaccine BCG trong phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam có mang lại lợi ích gì hay không.

Phóng viên: Hiện nay trên thế giới đã có những nghiên cứu nào về mối liên quan của vaccine phòng chống lao với Covid-19?

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Trên thế giới hiện có hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Hà Lan, Australia, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao nhất, đó là những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Nghiên cứu này sẽ đánh giá xem tác động của việc tiêm BCG cho các nhân viên y tế chăm sóc người bệnh Covid-19 lên tỷ lệ nhiễm cũng như mức độ nặng khi bị mắc Covid-19.

Hiện nay, các nghiên cứu này đã thu nhận các đối tượng tham gia. Tới đây nước Pháp dự kiến thu nhận khoảng một nghìn thầy thuốc tuyến đầu và một số đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi.

Trong quá trình liên hệ, các giáo sư của Pháp đã đề nghị chúng tôi cùng cộng tác để có được một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm đa quốc gia, đánh giá thực hư việc BCG có phòng Covid-19 hay không. Đánh giá này dựa trên giả thiết BCG có thể tác động đến một sức đề kháng miễn dịch bẩm sinh hay gọi là miễn dịch tự nhiên khi sinh ra đã có chứ không phải là đặc hiệu chống cúm hay Covid-19 với giả thiết là vaccine BCG có thể làm điều hòa hệ thống miễn dịch để cơ thể phản ứng với Covid-19 một cách vừa phải, đủ để bảo vệ chứ không phản ứng quá mức dẫn đến tình trạng nặng, bệnh diễn biến phức tạp.

Hiện nay, chúng ta chưa hiểu nhiều về cách cơ thể phản ứng với Covid-19, có thể xảy ra hiện tượng gọi là bão Cytokine (là chất trung gian tế bào khi sản sinh ra tiêu diệt tác nhân xâm nhập vào cơ thể), tức là nếu tế bào này sản sinh vừa phải thì sẽ tiêu diệt kháng nguyên gây bệnh, nhưng nếu nhiều quá sẽ tiêu diệt cả tế bào lành khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Điều này có thể giải thích cho trường hợp bệnh nhân 91 là phi công người Anh khỏe mạnh nhưng diễn biến bệnh rất nặng có thể là do bão Cytokine này.

Một số nghiên cứu ở Nam Phi và một số nghiên cứu khác đánh giá dường như BCG có giúp cho cơ thể giảm tỷ lệ nhiễm trùng hô hấp do một số virus hoặc do một số tác nhân khác. Đây mới là giải thiết và nghiên cứu quan sát. Còn khẳng định có bằng chứng phải trên thử nghiệm lâm sàng.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung đánh giá Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung đánh giá Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Phóng viên: Là đơn vị được Bộ Y tế giao để nghiên cứu về vấn đề này, Bệnh viện Phổi Trung ương đang đưa ra những hướng đề xuất như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Trên cơ sở nghiên cứu đó, chúng tôi cùng các bạn giáo sư người Pháp đệ trình lên một tổ chức nghiên cứu về HIV và viêm gan của Pháp ANRS để cùng hợp tác.

Với chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương có thảo luận, đề xuất Bộ Y tế hai hướng nghiên cứu:

Một là, Việt Nam tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phối hợp với Pháp và Campuchia đánh giá xem BCG có tác dụng với phòng bệnh Covid-19 cho người có nguy cơ cao là cán bộ y tế hay không. Với cách thức tính mẫu, dự kiến Việt Nam có thể thu nhận 800 mẫu, Campuchia thu nhận 400 mẫu, tại Paris là 1.000 mẫu. Hôm nay chúng tôi báo cáo chính thức với Bộ Y tế về ý tưởng có thể cộng tác thử nghiệm lâm sàng quốc tế. Chúng tôi sử dụng BCG như thử nghiệm lâm sàng xem nhóm tiêm vaccine BCG bị tác động như thế nào, nếu mắc thì mức độ nặng, nhẹ thế nào trong quá trình điều trị bệnh nhân.

Tuy nhiên, hướng thứ hai mà tôi cho rằng có thể làm ngay được mà không tốn kém gì là nghiên cứu khảo sát trên 268 ca mắc tại Việt Nam. Dựa trên những người này, chúng ta thử khảo sát xem mối liên quan giữa BCG với người mắc Covid-19, đồng thời khảo sát cả những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 nhưng lại không nhiễm virus SARS-CoV-2. Mối liên quan ấy được thể hiện xem người mắc bệnh nặng hay nhẹ và trường hợp nặng có phải do không tiêm BCG không.

Mặt khác, chúng ta có thể khảo sát chỉ số miễn dịch không đặc hiệu, một số chỉ số đơn giản. Một số chỉ số phải kỹ thuật cao mới làm được thì tôi nghĩ chúng ta cần phải đầu tư vì nghiên cứu về miễn dịch bao giờ cũng đắt tiền hơn. Chúng ta có thể lấy bệnh phẩm máu của người đã mắc Covid-19 để xem bao nhiêu người đã khỏi bệnh có được kháng thể để chống lại Covid-19.

Chúng ta cũng khảo sát chỉ số miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch tự nhiên của cơ thể người đã mắc xem khác nhau thế nào, nhất là trường hợp nặng so với trường hợp thoáng qua, người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đồng thời ta có thể so sánh với nhóm tiếp xúc gần là F1 thì các chỉ số ấy có liên quan gì với BCG để tiêm hay không.

Đây là một trong những khảo sát tôi nghĩ có thể làm nhanh cho kết quả ban đầu trước khi chúng ta làm thử nghiệm lâm sàng lớn hơn.

Phóng viên: Thưa PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, dự án này sẽ kéo dài trong bao lâu?

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Nghiên cứu hợp tác đa trung tâm đa quốc gia dự kiến sẽ theo dõi trong chín tháng từ khi bắt đầu tiêm BCG và đánh giá sau ba, sáu và chín tháng. Trong thời gian đó nhân viên ý tế làm việc như thường quy.

Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh, vaccine BCG là miễn dịch phòng chống lao và ở trẻ em chủ yếu phòng bệnh lao lan tràn, nặng như lao màng não, lao toàn thể còn BCG cũng không có khả năng ngăn chặn không bị nhiễm lao.

Đối với Covid-19, chúng ta chưa thể nói lên điều gì là tốt hơn hay xấu hơn khi ứng dụng vaccine BCG.

hóng viên: Ông có khuyến cáo gì với người dân lúc này, để họ không rơi vào tình trạng ồ ạt đi tiêm vaccine BCG hoặc quá chủ quan khi nghĩ mình đã có miễn dịch khi tiêm lao từ bé?

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Hiện nay chưa có bất kỳ chỉ định nào về tiêm BCG để phòng Covid-19 trên thế giới. Tôi khuyến cáo BCG chỉ phòng, chống lao và chỉ tiêm cho trẻ sơ sinh hoặc dưới 1 tuổi, không tiêm cho người lớn vì vaccine này không phải 100% là không có tác dụng phụ. Chúng ta thấy có những ca tiêm vaccine BCG ở người lớn và có tác dụng phụ. Tôi cho rằng, người dân đừng quá nôn nóng mà cần chờ các nhà khoa học thêm một thời gian nữa khi kết quả nghiên cứu đã được tiến hành làm sáng tỏ.

Kết quả kiểm soát dịch ở Việt Nam thành công là công lao chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Chính phủ, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng lòng của người dân. Và chúng ta cần sự đồng lòng ấy trong suốt thời gian tiếp theo. Chúng ta phải chung sống an toàn với dịch bệnh.

Xin cảm ơn PGS, TS Nguyễn Viết Nhung!

THIÊN LAM

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Y tế 24h - 01/10/2024

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Y tế 24h - 30/09/2024

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới