Cô gái 29 tuổi nhồi máu cơ tim
Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu với chẩn đoán nhồi máu cơ tim, sau đó chuyển đến Bệnh viện E, Hà Nội, để can thiệp. Sau khi đặt một stent thông mạch tắc, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
"Đây là trường hợp rất đặc biệt, khi nhìn bệnh án là nữ 29 tuổi, tôi giật mình vì bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ và còn quá trẻ", bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, cho biết ngày 5/4.
Theo bác sĩ Nguyên, trong số bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, nam giới chiếm trên 70%, nữ giới ít và trường hợp trẻ như bệnh nhân nói trên rất hiếm. Song, bác sĩ nhận định, số lượng người trẻ bị nhồi máu cơ tim những năm gần đây gia tăng. Trước đây, bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường trên 60 tuổi nhưng nay gặp rất nhiều ở lứa tuổi 32-38. Trong số này chủ yếu là nam giới có tiền sử hút thuốc lá, bệnh nền tiểu đường.
Năm 2020, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E can thiệp khoảng 2.900 trường hợp, trong đó có tới 1.900 ca liên quan bệnh lý mạch vành.
Mạch vành là mạch chính nuôi tim, khi bị xơ vữa một hay nhiều nhánh sẽ gây tắc mạch, là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim. Trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, 50% tử vong trước khi đến viện.
Giáo sư Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, nhận định bệnh không lây nhiễm nói chung, đặc biệt là các bệnh tim mạch đều tăng qua từng năm. Nguyên nhân là Việt Nam đang trên đà phát triển, nhiều thói quen sinh hoạt trong ăn uống, cường độ lao động thay đổi. Đặc biệt, người Việt nhậu nhẹt, hút thuốc lá nhiều.
Môi trường ô nhiễm từ không khí, nước đến thực phẩm, tiếng ồn cũng là những yếu tố nguy cơ khiến bệnh tim mạch tăng lên, bệnh nhồi máu cơ tim cũng tăng theo. Ngoài ra, trường hợp mắc các bệnh nền như tiểu đường, béo phì, huyết áp... nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn người khác.
Giáo sư Thành lưu ý, bệnh nhân nhồi máu cơ tim có nguy cơ tái phát cao nếu không được can thiệp tốt và không điều chỉnh lối sống, chế độ sinh hoạt, không tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Theo đó, bệnh nhân nên ăn nhạt, tập thể dục đều đặn, không để stress, không hút thuốc lá, uống rượu bia...
Trước đây bệnh nhân vào Bệnh viện E cấp cứu sẽ phải chuyển đi chụp CT, sau đó lại chuyển can thiệp cấp cứu, quá trình này mất khoảng 2 giờ. Bệnh viện E nay sử dụng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA độ phân giải hình ảnh cao gấp 4 lần so với trước, bệnh nhân chỉ mất khoảng 30 phút đến một giờ là có thể chụp và can thiệp xong. Nhờ đó, bệnh nhân được phát hiện và can thiệp sớm, tăng tỷ lệ cứu sống, tránh biến chứng.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử