Thoát liệt nhờ cấp cứu ở phút 98 sau đột quỵ
Bệnh nhân liệt hoàn toàn nửa người trái, mất khả năng đáp ứng khi kiểm tra phản xạ. Kết quả chụp CT sọ não cho thấy chưa bị xuất huyết não, chẩn đoán đột quỵ thiếu máu não bán cầu phải, kèm tăng huyết áp.
Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn, quyết định can thiệp khẩn cấp trước khi não xuất huyết. Bệnh nhân được tiêm thuốc tái thông mạch máu bằng tiêu sợi huyết tĩnh mạch, tình trạng đột quỵ thuyên giảm không lâu sau đó. 24 giờ sau, bệnh nhân hết liệt nửa người bên trái, có thể cử động tay chân theo y lệnh. Ngày 3/7, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt, đã xuất viện.
Bác sĩ Trần Trung Thành, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: "Bệnh nhân nhập viện không quá trễ, bác sĩ kịp thời gian 'vàng' để cứu sống. Nếu không, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người nặng, thậm chí tử vong".
Theo bác sĩ Thành, đột quỵ não, còn gọi tai biến mạch máu não, xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần não bộ bị ngừng trệ đột ngột. Đột quỵ luôn là vấn đề lớn của ngành y tế. Tỷ lệ mới mắc đột quỵ tăng hơn 100% ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ tử vong 18-35%. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong cũng như tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bệnh nhân bị đột quỵ cấp được đưa đến bệnh viện trong vòng 30 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng, được xem là thời gian "kim cương", 4-5 giờ tiếp theo là "giờ vàng".
Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đã triển khai Đơn vị Đột quỵ (Stroke Unit) trong điều trị đột quỵ giai đoạn cấp, cũng như xây dựng quy trình chuẩn trong điều trị tái thông cho bệnh nhân đột quỵ hay nhồi máu não cấp. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đột quỵ được cứu sống kịp thời, tỷ lệ tử vong và tàn phế giảm rõ rệt, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân sau hồi phục.
Với quy trình này, khi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ, bác sĩ cấp cứu chỉ mất khoảng 10 phút để tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp CT hết 35 phút, tiến hành điều trị mất khoảng 47-60 phút. Đội Đột quỵ (Stroke Team) bao gồm các bác sĩ cấp cứu, bác sĩ thần kinh, bác sĩ can thiệp mạch máu thần kinh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh... phối hợp đồng bộ, chặt chẽ.
"Ê kíp sử dụng tiêu sợi huyết tĩnh mạch hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ nhằm chạy đua với thời gian cứu lấy tế bào não. Cứ mỗi phút trôi qua, 2 triệu tế bào nơ ron thần kinh, đồng nghĩa với khoảng 12 km sợi trục neuron thần kinh não, sẽ chết không hồi phục nếu thiếu máu nuôi," bác sĩ Thành nói.
Với những đóng góp tích cực trong điều trị đột quỵ, ngày 30/6, Đơn vị Đột quỵ của bệnh viện đã được Hiệp hội Đột quỵ Thế giới (WSO) vinh danh, trao tặng giải vàng Angels.
Cùng với đó, Khoa Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện cũng được Tổ chức y khoa thế giới Micropot công nhận là Trung tâm xuất sắc của kỹ thuật mổ thay khớp háng superpath và thay khớp gối.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử