Vũ khí 'nóng' ngăn ngừa HIV
Hiện nay, y học chưa tìm ra thuốc điều trị khỏi HIV hoàn toàn, chưa có vaccine dự phòng. Tuy nhiên một người mang HIV, sau khi điều trị bằng thuốc kháng virus và có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, sẽ không lây HIV cho bạn tình. Tỷ lệ dự phòng trong trường hợp này là tuyệt đối, tức K=K - không phát hiện bằng không lây truyền. Đồng thời, nhiều loại thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) và bao cao su giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ bạn tình.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến 31/10/2019, cả nước ghi nhận gần 212.000 người nhiễm HIV còn sống. Sau hai năm triển khai PrEP tại 27 tỉnh, thành phố, hơn 13.000 người sử dụng ít nhất một lần, hơn 10.000 người đang điều trị PrEP. Trong số này, 78% là người MSM (nhóm nam quan hệ tình dục với nam) nguy cơ cao nhiễm HIV. Tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm MSM tăng nhanh theo từng năm, đến nay 10-15%, ngược lại các nhóm người sử dụng ma túy, bán dâm lại giảm.
Anh Tống Văn Nam, Trưởng nhóm Kết nối Trẻ - một tổ chức cộng đồng, hoạt động phi lợi nhuận hơn 9 năm đồng hành và hỗ trợ sức khỏe cho cộng đồng người yếu thế, người có nguy cơ nhiễm HIV, người sống chung với HIV tại Bình Dương, nhận định, những con số trên không thể hiện sự kỳ thị, mà đang nhìn thẳng vào sự thật. Rộng hơn, nhóm MSM, người chuyển giới và mại dâm nam là nhóm cần đặc biệt quan tâm trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDs và tầm nhìn chấm dứt dịch vào 2030.
"Nhóm MSM dễ dàng tìm thấy bạn tình qua online và một số người có nhiều bạn tình trong cùng thời điểm. Họ quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, ít sử dụng bao cao su, không uống PrEP. Thậm chí, có xu hướng sử dụng ma túy, chất kích thích khi quan hệ tình dục khiến nguy cơ nhiễm HIV rất cao", anh Nam lý giải.
Anh Nam cho biết, bản thân đã tiếp cận với nhiều trường hợp lây nhiễm HIV rất đáng tiếc. Có trường hợp sinh viên, công nhân trải qua "một đêm" với bạn tình đã dương tính với HIV. Họ chia sẻ ngậm ngùi rằng nhìn người bạn đó trông khỏe mạnh, sạch sẽ mà không biết tình trạng nhiễm. Nguy hiểm hơn, họ chủ quan "4 không": không nhận thấy được nguy cơ, không chủ động phòng tránh, không đi xét nghiệm và không điều trị.
Từ chối can thiệp y tế dẫn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của bệnh nhân nhiễm HIV nhanh chóng suy kiệt, tiên lượng sống thấp. Do đó, điểm mấu chốt là nhóm đồng tính nam cần chủ động đi xét nghiệm, dùng thuốc phù hợp với tình trạng hiện tại.
Các xét nghiệm HIV gồm test nhanh (lấy máu đầu ngón tay và dịch miệng) và xét nghiệm kháng nguyên, nồng độ virus bằng PCR. Các test nhanh có thể thực hiện tại nhà hoặc cộng đồng, nếu kết quả có phản ứng với HIV ban đầu thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm HIV khẳng định và nhanh chóng kết nối điều trị để được nhận thuốc kháng virus miễn phí.
Nếu kết quả âm tính, người đồng tính nam vẫn phát sinh quan hệ tình dục không an toàn, thì cần điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng thuốc PrEP.
Cụ thể, PrEP được khuyến nghị cho những người không có HIV, người có nguy cơ nhiễm virus từ quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma tuý. Đặc biệt với nhóm MSM và người chuyển giới (quan hệ qua đường hậu môn) cần sử dụng trong suốt thời gian có nguy cơ cao.
Đối với nhóm MSM, liều sử dụng là mỗi ngày một viên, uống 7 ngày liên tiếp trước khi phát sinh hành vi nguy cơ, sau đó cần tiếp tục duy trì một viên mỗi ngày. Nữ phải dùng 21 ngày liên tục trước khi phát sinh hành vi nguy cao. Nên uống thuốc vào một thời điểm cố định và duy trì đều đặn tránh nhờn thuốc. Khi quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra, song không uống quá hai liều trong 24 giờ.
Ngoài ra, để hỗ trợ riêng người MSM và chuyển giới quan hệ tình dục dưới hai lần trong một tuần và không muốn uống thuốc mỗi ngày, anh Nam cho hay có một cách uống khác. Vẫn là thuốc PrEP, nhưng uống kiểu tình huống, theo phác đồ 2-1-1. Trước 2 - 24 giờ phát sinh hành vi nguy cơ, uống 2 viên. 48 giờ tiếp theo, mỗi 24 giờ uống một viên PrEP nữa. Tổng cộng 4 viên, mỗi liều cách nhau 24 giờ.
Riêng người phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ chống chỉ định dùng PrEP. Trong trường hợp này, PEP là phương án dự phòng tốt nhất hiện tại. Thuốc thường được áp dụng trong tình huống "tai nạn", như không sử dụng biến pháp an toàn, rách hay tuột bao cao su. Hiệu quả dự phòng của điều trị PEP vào khoảng 80%, có thể cao hơn nếu sử dụng trong những giờ đầu. Tác dụng thuốc giảm dần và vô hiệu sau 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm.
Người đứng đầu tổ chức Kết nối Trẻ nhấn mạnh, PrEP và PEP là vũ khí tốt nhất dự phòng HIV, còn các bệnh lây qua đường tình dục nói chung thì bao cao su là tối ưu. Hiệu quả và độ an toàn của bao cao su đã được chứng minh qua nhiều năm nay. Ngoài ra, còn các chiến lược khác như kiêng quan hệ tình dục, hạn chế số lượng bạn tình, không dùng chung kim tiêm.
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Chúng khiến hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể không chống đỡ được các tác nhân gây hại như vi trùng, vi khuẩn, ký sinh trùng... AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Tải lượng cao virus trong cơ thể bệnh nhân AIDS lấn át hệ miễn dịch. Người bệnh dễ tử vong bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội và ung thư.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID