Đam mê chạy giúp cụ ông 87 tuổi sống khỏe

ANH - Ở tuổi 87, Ken Jones vẫn đi bộ mỗi buổi sáng, tham gia các giải chạy Marathon đều đặn hàng năm và truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ.

"Giải chạy Marathon ảo 2020 là cuộc đua tồi tệ nhất tôi từng tham gia vì phải chạy dưới trời mưa", Jones nói. Ông là một trong 10 người đàn ông trên thế giới hoàn thành mọi giải chạy của London Marathon từ mùa đầu tiên năm 1981.

Mưa nặng hạt hay những cơn gió giật mạnh không làm nhụt chí người vận động viên lớn tuổi. Ông cùng con gái là Heather, 58 tuổi, mặc áo mưa hoàn thành đường đua 42 km. Sau gần 9 giờ, hai cha con cán đích khi trời đã tối.

Niềm đam mê chạy bộ của Jones bắt đầu từ năm 1951, khi ông tham gia câu lạc bộ chạy Orion Harriers, phía Bắc Chingford. Theo gợi ý của bạn bè, ông đăng ký bộ môn Marathon. Năm 1967, Jones phá kỷ lục bản thân với thành tích chạy 2 giờ 41 phút tại giải Polytechnic Marathon.

"Tôi đã cán đích bên ngoài Cung điện Buckingham sau khi chạy qua Công viên Greenwich và toàn thành phố London. Đó quả là một cảm giác tuyệt vời", Jones nhớ lại.

Jones tiết lộ với truyền thông địa phương rằng ông thường tập luyện thái cực quyền. Đây là một trong những bí quyết giúp ông duy trì cơ thể dẻo dai, không bị chấn thương khi chạy.

"Những năm 50 tuổi, tôi từng là huấn luyện viên thái cực quyền. Thật tuyệt vời khi giữ được các khớp và đầu gối ở trạng thái tốt. Thái cực quyền bao gồm các động tác nhẹ nhàng, vận động cơ thể từ ngón chân tới đỉnh đầu. Các bài tập rất thư giãn vì tất cả động tác được thực hiện trong im lặng", Jones nói.

Ken Jones trong giải chạy London Marathon. Ảnh: Telegraph
Ken Jones trong giải chạy London Marathon. Ảnh: Telegraph

Ngoài mục tiêu đạt thành tích trong các cuộc đua, Jones cho biết "chạy để duy trì sức khỏe tốt và mở rộng quan hệ xã hội" là hai nguồn động lực chính thôi thúc ông mỗi ngày.

Jones đánh giá thói quen sống là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp những người ngoài 80 tuổi như ông đủ sức chạy hàng chục km liên tục.

"Nhiều người đàn ông cùng tuổi tôi có bụng mỡ, chỉ ngồi một chỗ hút thuốc, uống rượu. Tôi thì ngược lại. Suốt 50 năm nay, tôi tránh tất cả đồ uống có cồn và cafein vì những chất này tồn tại trong cơ thể rất lâu", Jones nói. "Tôi không duy trì chế độ ăn uống đặc biệt nào. Tôi ăn tất cả mọi thứ. Chìa khóa là không ăn quá nhiều".

Với ông, luyện tập thường xuyên rất quan trọng. Ông dậy lúc 6h sáng, cùng hàng xóm đi bộ, chạy nhẹ nhàng 4-5 km, 5-6 lần một tuần. Ông dành một ngày mỗi tháng chạy bộ một mình 32 km, hàng xóm của ông không thể chạy quãng đường dài như vậy.

"Gần đây tôi chạy nhiều hơn đi bộ, tôi thấy cơ thể mình trong trạng thái rất tuyệt vời", ông chia sẻ. "Lời khuyên của tôi cho bất kỳ ai muốn tập chạy là hãy bắt đầu thật chậm. Dần dần, bạn sẽ chinh phục được những quãng đường dài hơn".

Ông gợi ý dành 15 phút đi bộ từ nhà tới một điểm nào đó và 15 phút tiếp theo quay về nhà. Duy trì được thói quen này, Jones giải thích, các cơ bắt đầu rắn chắc và hơi thở khỏe khoắn hơn trong vài tháng đầu. Dần dần, người tập có thể chạy nhẹ nhàng trên địa hình bằng phẳng, áp dụng đi bộ 100 m, chạy 100 m, rồi lại đi bộ 100 m.

Số huy chương của ông Ken Jones trong quá trình thi chạy. Ảnh: Telegraph
Số huy chương của ông Ken Jones trong quá trình thi chạy. Ảnh: Telegraph

"Theo thời gian, bạn sẽ ngày một khỏe hơn. Đây là quá trình dài, nhưng mục tiêu cuối cùng là một sức khỏe tốt, cả thể chất và tinh thần".

"Giờ tôi đã khá già", ông thừa nhận. "Bệnh tật vẫn ghé thăm tôi thường xuyên, may mắn cơ thể có thể chống lại các bệnh khá dễ dàng, bởi tôi có thể trạng tốt".

Jones cũng đánh giá cao tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần: "Khi bạn ra ngoài và chạy bộ, bạn trò chuyện với mọi người. Rất nhiều người chỉ ở quanh nhà khi họ già, tôi thì không thế".

"Trên đường chạy, tôi gặp rất nhiều động vật. Tôi vẫy tay chào người tôi biết qua ô cửa sổ. Khi về nhà, tôi thấy cơ thể tràn đầy năng lượng, tinh thần sảng khoái. Đó là những tác động tích cực mà vận động thường xuyên mang lại cho tôi", ông kể.

Jones khuyên cần chọn một đôi giày thể thao vừa vặn, thoải mái để không bị đau chân khi đi bộ hoặc chạy. Chạy đường dốc xuống, hoặc rẽ đường cua đột ngột có thể gây chấn thương.

"Bạn cần tự đặt mục tiêu. Mục tiêu của tôi là chinh phục giải London Marathon vào tháng 10/2021. Trong thời gian chờ, tôi sẽ tham gia một vài giải chạy khác cự ly ngắn hơn, khoảng 10 km, hoặc 20 km", ông chia sẻ.

Lê Hằng (Theo Telegraph)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Người đàn ông tử vong trong lúc tập gym ở Hải Dương

Người đàn ông tử vong trong lúc tập gym ở Hải Dương

Tập luyện - 15/12/2023

Người đàn ông tử vong trong lúc tập gym ở Hải Dương

Những bệnh lý nguy hiểm người chơi thể thao cần biết

Những bệnh lý nguy hiểm người chơi thể thao cần biết

Tập luyện - 03/11/2023

Những bệnh lý nguy hiểm người chơi thể thao cần biết

Coi chừng thành tật vì bẻ khớp cổ trị đau vai gáy

Coi chừng thành tật vì bẻ khớp cổ trị đau vai gáy

Tập luyện - 24/10/2023

Coi chừng thành tật vì bẻ khớp cổ trị đau vai gáy

Thừa cân, béo phì có xu hướng trẻ hóa

Thừa cân, béo phì có xu hướng trẻ hóa

Tập luyện - 14/10/2022

Thừa cân, béo phì có xu hướng trẻ hóa

Tại sao người già bị còng lưng?

Tại sao người già bị còng lưng?

Tập luyện - 23/06/2022

Tại sao người già bị còng lưng?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới