Cẩn trọng với biến chứng của bệnh tay - chân - miệng
Hỏi:
Hiện quanh khu tôi sống lác đác trẻ nhỏ mắc bệnh tay - chân - miệng, khiến gia đình tôi khá lo lắng. Vậy mong bác sĩ tư vấn cách phòng bệnh cũng như nhận biết sớm căn bệnh này?
Phạm Hồng Trang (Hà Nội)
Trả lời:
Hiện bệnh tay - chân - miệng đang có dấu hiệu gia tăng. Đây là bệnh có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp.
Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay - chân - miệng do cơ thể có thể mắc nhiều loại virus khác nhau qua mỗi năm. Hiện nay, bệnh này dễ lây lan với tốc độ rất nhanh nhưng chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Tùy vào mức độ cũng như thể trạng của mỗi bé, bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nhau. Điển hình như biến chứng về thần kinh, tổn thương ở thân não dẫn đến liệt, bại não... Bệnh sẽ có những di chứng về vấn đề hô hấp như: Khó thở, tổn thương trung tâm hô hấp, yếu cơ và liệt cơ. Với những biến chứng nặng hơn, bệnh nhân còn bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương và phù phổi dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Có bốn mức độ mắc tay - chân - miệng, cụ thể: Độ 1, thể nhẹ trẻ chỉ gây loét miệng hoặc tổn thương da. Độ 2, bệnh bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Trẻ thường xuất hiện các nhóm dấu hiệu: Giật mình dưới 2 lần/30 phút, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ hoặc ngủ gà, nhịp tim nhanh, sốt cao ≥ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt… Độ 3, biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng. Độ 4, xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái, ngưng thở, thở nấc…
Thông thường, ở mức độ 1 có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi có sốt hoặc phát ban để các bác sĩ đánh giá toàn diện và quyết định trẻ đang ở mức độ nào.
Rửa tay thường xuyên, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi chăm sóc con nhỏ là điều rất quan trọng để phòng bệnh cho trẻ. Khi trẻ mắc bệnh, phải cách ly tối đa, không để trẻ tiếp xúc với các bạn khác. Do bệnh lý gây loét miệng, nên cha mẹ cho con ăn loãng như cháo, sữa và tăng đề kháng bằng nước hoa quả, sữa chua…
BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh