Phát hiện đột quỵ sớm, cơ hội hồi phục cao
Bệnh nhân nữ, 87 tuổi, đang tắm thì khó thở, yếu tay chân, nghi ngờ đột quỵ, gia đình đưa đến Bệnh viện 103 chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Bà từng đột quỵ 4 năm trước nên người nhà biết rõ dấu hiệu, đưa mẹ đến viện càng sớm càng tốt.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện 103, cho biết bệnh nhân liệt nửa người trái do đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 2. Ngay lập tức, bệnh nhân được tái thông mạch máu não, làm tiêu cục máu đông, lưu thông mạch máu. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trong vòng 4-5 giờ đầu sau khởi phát.
Khoảng 30 phút sau tiêm, bệnh nhân có thể nâng được tay, chân, cơ thể nhẹ nhõm và cầm nắm được đồ vật.
Cùng ngày, khoa tiếp nhận bệnh nhân nam, 78 tuổi, bị đột quỵ nhồi máu não do trời lạnh, tiền sử tăng huyết áp. Tuy nhiên, bệnh nhân đến viện muộn do người nhà không kịp thời phát hiện. Bệnh nhân được can thiệp mạch, khả năng hồi phục thấp và phải sử dụng thuốc để phòng ngừa biến cố đột quỵ tiếp theo.
"Thời gian là tiêu chí quan trọng cứu sống người bệnh, vừa giúp bác sĩ lựa chọn được phương pháp can thiệp mà không cần phẫu thuật", phó giáo sư Đài nhận định.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước. Trong đó, đột quỵ nhồi máu não chiếm 80%, còn lại là đột quỵ chảy máu não.
Hiện nay, Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ của thế giới như điều trị tiêu huyết khối, can thiệp mạch máu não hoặc đặt stent động mạch, giúp nong rộng vị trí mạch máu bị hẹp do xơ vữa. Song, khó khăn nhất trong điều trị đột quỵ ở Việt Nam là bệnh nhân thường không đến kịp trong thời gian vàng.
Theo bác sĩ, bệnh nhân cấp cứu sớm trong "thời gian vàng" là trước 4,5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng đầu có thể giảm tỷ lệ tử vong. Bệnh nhân điều trị tiêu huyết khối có thể khôi phục lại khả năng đi lại sau vài giờ và xuất viện khỏe mạnh.
Do đó, người nhà cần nắm rõ các dấu hiệu của đột quỵ để cấp cứu sớm như đột ngột méo miệng, liệt mặt, đột ngột yếu chân tay một bên hoặc nói khó, thay đổi giọng nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...
Khi nghi ngờ đột quy, cần đặt người bệnh nơi thông thoáng, nới lòng quần áo, không cho ăn hay uống nước. Ghi nhớ giờ khởi phát triệu chứng đầu tiên giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị và nhanh chóng gọi cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nhiều người may mắn sống sót nhưng đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý... Do vậy điều trị phòng ngừa đột quỵ mới là điều quan trọng nhất. Người bệnh càng đến sớm, cơ hội hồi phục càng cao.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh