Tôm là thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, chuyên gia thực phẩm khuyến cáo khi ăn tôm, dù ngon mấy cũng phải bỏ các bộ phận này.
ThS. Trương Nhật Khuê Tường - Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong 100g tôm chứa 17-20g protein và nhiều vitamin khoáng chất khác như selen, vitamin B12, omega-3, canxi, giúp tái tạo năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho xương khớp, tim mạch.
Tuy nhiên, thạc sĩ Tường cũng khuyến cáo không phải bộ phận nào của tôm cũng ăn được.
Nhiều người thích ăn đầu tôm thậm chí họ nghĩ rằng ăn đầu tôm, mắt tôm rất tốt. Có nhiều gia đình rất thích phần mình tôm ăn gỏi còn đầu tôm cho vào chiên giòn ăn.
PGS. Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, rất nhiều bà nội trợ tin rằng ăn đầu tôm sẽ tốt, giúp thông minh, mắt tôm bổ mắt. Khi ăn tôm không ít người còn giữ lại đầu tôm xay để nấu canh. Nhưng thực tế đây là quan điểm sai lầm.
PGS Thịnh cho biết không những đầu tôm không tốt, mà thậm chí nó còn có thể có chất độc bởi vì đầu tôm không chỉ là bộ máy thần kinh của con tôm mà còn là nhà máy tiêu hoá của nó.
Tôm ăn rất nhiều thức ăn từ tảo, vi sinh vật, xác hải sản thối rữa. Khi ăn, các tạp chất này đều ở đầu tôm vì dạ dày, hệ bài tiết đều đặt ở đó. Vì vậy, đầu tôm chứa rất nhiều tạp chất thậm chí có cả kim loại nặng.
Có một nghiên cứu xét nghiệm về hàm lượng kim loại nặng trong đầu tôm, các nhà khoa học đã xác định được hàm lượng cadmium trong đầu tôm đạt 0,3mg/kg, cao hơn gấp 10 lần so với hàm lượng cadmium của thịt tôm. Mặc dù nó không gây ngộ độc nhưng theo quy định, hàm lượng này không được vượt quá 0.5 mg/kg.
Nếu chúng ta vì tiếc mà cố ăn thì còn ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em và bà mẹ mang thai.
Không chỉ thế, PGS Thịnh cho biết, khi tôm chết, các chất trong đầu tôm sẽ phân huỷ đầu tiên. Chính vì vậy mà các cụ xa xưa đã đúc kết rằng "tôm sống, bống tươi".
Khi mua tôm nên chọn tôm tươi. Nếu tôm đã chết, đầu ngả màu đen thì tuyệt đối không ăn phần đầu tôm vì lúc này không chỉ nhiễm tạp chất mà còn có nguy cơ nhiễm khuẩn do các chất trong đầu tôm phân huỷ.
Khi làm tôm, các bà nội trợ cũng nên khéo léo tách bộ phận có màu đen trên đầu tôm, đây chính là dạ dày của tôm.
Nhiều người cho rằng, ăn mắt tôm sẽ chứa những dưỡng chất tốt cho mắt, giúp cải thiện thị lực. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu đáng tin cậy nào chứng minh được giả thuyết nói trên là chính xác.
2 bộ phận không nên ăn
Khi làm tôm, các bà nội trợ cũng nên khéo léo tách bộ phận có màu đen trên đầu tôm, đây chính là dạ dày của tôm.
Nhiều người cho rằng, ăn mắt tôm sẽ chứa những dưỡng chất tốt cho mắt, giúp cải thiện thị lực. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu đáng tin cậy nào chứng minh được giả thuyết nói trên là chính xác.
1. Chỉ đen (ruột tôm)
Theo PGS Thịnh, bộ phận ruột của tôm chính là đường chỉ đen đậm nằm ngay sát trên lưng tôm thường thấy rõ hơn ở những con tôm lớn.
Ruột tôm đào thải chất thải của tôm sau khi chúng tiêu hoá xong xuống lỗ mở của ruột.
Khi nấu tôm chín, đường chỉ này cũng không gây hại nhưng giảm độ ngon của tôm. Một số loại tôm có thể gây sạn.
Vì vậy, PGS Thịnh cho rằng khi ăn tôm, người dân nên làm sạch đường chỉ đen này trước khi chế biến.
2. Vỏ tôm
Nhiều người cho rằng vỏ tôm tốt cho sức khoẻ do chứa nhiều canxi thì khi ăn vào sẽ tốt cho xương. Một số bà mẹ thậm chí ép con ăn tôm nguyên vỏ.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Tường, vỏ tôm không chứa canxi như nhiều người lầm tưởng. Thành phần chính của vỏ tôm là kitin, một dạng polymer tạo nên vỏ của các loại giáp xác.
Một số loại tôm có lớp vỏ cứng và khó tiêu hóa nên việc cố gắng ăn vỏ tôm là điều không cần thiết.
Đặc biệt là đối với trẻ em, ăn vỏ tôm dễ gây hóc hoặc hại dạ dày. Nếu muốn bổ sung canxi cho trẻ thì cha mẹ nên sử dụng phần thịt tôm sẽ an toàn nhất.
Đồng thời, khi mua tôm bạn cần chú ý chọn con to, tươi sống để đảm bảo độ tươi ngon và dinh dưỡng thiết yếu nhất trong phần thịt tôm.