Lạm dụng Vitamin E, những tác hại cần biết
Vitamin E tác động đến cơ thể như thế nào?
Trong quá trình chuyển hóa, tiếp xúc với thuốc men, khói bụi, chất độc, tia tử ngoại..., cơ thể sản sinh ra các gốc tự do. Chúng tấn công các tế bào, phá hủy màng tế bào, làm hư hại bộ máy di truyền trong nhân. Gốc tự do xáo trộn chức năng sinh lý của các bộ phân, gây ra nhiều bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư, thoái hóa thần kinh, alzheimer và khiến con người già đi rất nhanh, nhất là ở da.
Hệ thống bảo vệ cơ thể có khả năng chống lại hiện tượng trên nhờ sự ôxy hóa các gốc tự do, nhưng sự ôxy hóa ấy sẽ ngày càng yếu đi trong khi các phân tử gốc tự do ngày càng được sản sinh nhiều hơn theo tuổi tác. Vì vậy, cơ thể cần được tiếp thêm chất chống lại gốc tự do, đó là vitamin A, vitamin C, vitamin E và selen. Vitamin E giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim cho những người có thân nhân từng mắc bệnh. Dùng vitamin E ngăn ngừa được bệnh tim mạch. Loại vitamin này còn có khả năng làm tăng sức đề kháng, phòng bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm, phòng ngừa ung thư… Ngoài ra vitamin E còn góp phần cải thiện tình dục, giúp noãn (trứng) và tinh trùng phát triển tốt hơn, nâng cao kết quả điều trị vô sinh. Vitamin E có thể giúp làm giảm tiến trình lão hóa của da và tóc, cải thiện tình trạng da khô sạm, tóc gãy rụng...
Khi cơ thể bị thiếu vitamin E có thể gặp các triệu chứng như: Rối loạn thần kinh, yếu cơ, rung giật nhãn cầu, giảm nhạy cảm về xúc giác, dễ tổn thương ở da, dễ vỡ hồng cầu, dễ gây tổn thương cơ quan sinh dục, có thể gây vô sinh...
Vitamin E không phải là thần dược với làn da, nguy hiểm khi lạm dụng
Vitamin E có hai nhóm chính là tocopherols và tocotrienol. Chất có tác dụng mạnh nhất trong cơ thể là alpha-tocopherol isomer. Cơ thể hấp thu được cả tocopherol thiên nhiên và nhân tạo, nhưng tocopherol thiên nhiên trong thực phẩm có nhiều tác dụng tốt hơn. Nhu cầu của cơ thể đối với vitamin E hằng ngày thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, số lượng chất béo bão hòa mà cơ thể tiêu thụ: trẻ còn bú cần 3mg; trẻ 1-3 tuổi 5-7 mg; 4-9 tuổi cần 7 mg; trẻ 10-12 tuổi cần 11mg; trên 12 tuổi 12-15mg; trên 14 tuổi và phụ nữ có thai cần 15mg; phụ nữ cho con bú cần 19mg.
Liều cần thiết cho cơ thể sử dụng hàng ngày trung bình khoảng từ 100 - 400 đơn vị (IU) và hầu như không có tác dụng phụ khi sử dụng ở liều thông thường. Lượng dư thừa không được sử dụng sẽ nhanh chóng đào thải ra khỏi cơ thể. Khi dùng ở liều cao (trên 400 IU/ngày), nó lại thúc đẩy các tổn hại do quá trình ôxy hóa gây ra và khống chế các tác nhân chống lão hóa khác. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi dùng vitamin E quá liều là đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, suy nhược. Khi lạm dụng vitamin E, dùng liều quá cao (trên 800 IU/ngày có thể gây buồn nôn, dạ dày bị kích thích hoặc tiêu chảy, chóng mặt, nứt lưỡi hoặc viêm thanh quản. Không ít người có thói quen thường xuyên uống vitamin E liều cao mỗi ngày kéo dài trong nhiều tháng là không nên. Trường hợp ăn uống kém thì có thể bổ sung bằng thuốc uống nhưng cũng chỉ nên uống 1 – 2 tháng sau đó dừng lại, vài tháng sau mới nên dùng tiếp. Tuy vitamin E khá lành tính nhưng đã có trường hợp tử vong khi tiêm trực tiếp tocopherol - thành phần chất quan trọng nhất của vitamin E vào tĩnh mạch. Có thể đó là do thuốc đã nhiễm tạp chất. Điều này không ai có thể lường trước được.
Thông tin về công dụng chống lão hóa, làm đẹp da của vitamin E xuất hiện ngày một nhiều trong quảng cáo thực phẩm và mỹ phẩm. Dùng vitamin E đang là một trào lưu làm đẹp mới của giới trẻ. Nhưng vitamin E không phải là thần dược mà chỉ có thể hạn chế những tác hại của tuổi tác lên sức khỏe. Thực tế cho thấy, người có tuổi dùng vitamin E đúng chỉ định sẽ có thể thấy ngay dụng của thuốc: làm da sáng hơn, có cảm giác khỏe khoắn hơn. Song với những người còn trẻ, sức khỏe bình thường, việc dùng nhiều vitamin E là không cần thiết. Có những phụ nữ mới 30-35 tuổi đã tiêm vitamin E thường xuyên, coi việc này cũng giống như sử dụng mỹ phẩm để phòng ngừa nhăn da và xuống sắc. Điều đó không những gây hao phí tiền của mà còn dễ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, đến khi cần tác động thực sự thì phải dùng tới liều cao, dễ gặp tác dụng phụ.
Cách tốt nhất để bổ sung vitamin E là sử dụng các thực phẩm chứa vitamin E có nguồn gốc thiên nhiên có nhiều chất béo như: đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, mầm lúa mạch, hạt hướng dương, dầu ô-liu...
Cẩn trọng các tương tác thuốc
Dùng vitamin E dạng uống, tiêm hay bôi ngoài da cũng cần có chỉ định cụ thể của thầy thuốc để tránh những tương tác thuốc. Vitamin E có tác dụng đối kháng với vitamin K, có thể ức chế sự kết tụ tiểu cầu, giảm đông máu. Vì vậy thận trọng với bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu. Nên uống vitamin E cách viên sắt từ 8 -12 giờ để tránh tương tác bất lợi trong điều trị thiếu máu. Vitamin E có thể tăng cường tác dụng của digitalis với tim. Người đang điều trị khi sử dụng digitalis nên hết sức thận trọng nếu cần dùng vitamin E để tránh gây tình trạng ngộ độc digitalis. Sử dụng vitamin E liều cao hơn 400 IU trong thời gian dài, đặc biệt khi kết hợp cùng estrogen có thể gây ra huyết khối, cần hết sức thận trọng. Neomycin có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất béo đồng thời ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin E, khi cùng sử dụng sẽ làm giảm vai trò của cả hai loại thuốc.
DS Hà Kim - Tạp chí Dược Mỹ phẩm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ