Chăm sóc vết thương ở bàn chân khi bị bệnh đái tháo đường

03:44 15/05/2020 - uncategorized
Đái tháo đường được xem là một trong những "đại dịch" của nhân loại trong thế kỉ 21 vì tính chất phổ biến và những biến chứng nguy hiểm của nó gây ra cho người bệnh như đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,…

Tuy nhiên, một loại biến chứng đái tháo đường cũng rất nguy hiểm nhưng lại ít được người bệnh quan tâm là những tổn thương bàn chân như loét lỗ đáo, nứt da chân, chai chân, móng quặp, ngón chân hình búa, chân mất cảm giác. Nếu không được điều trị kịp thời những biến chứng này, người bệnh có nguy cơ phải đoạn chi.

Biến chứng loét chân do đái tháo đường - Ảnh minh họa
Biến chứng loét chân do đái tháo đường - Ảnh minh họa

Ước tính hàng năm có khoảng 1-4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân và 10-15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất 1 lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh. Tất cả người bệnh đái tháo đường đều có khả năng bị loét chân.

Cứ 4 bệnh nhân mắc đái tháo đường thì sẽ có 1 người bị loét chân. Không hề đơn giản, tình trạng này sẽ quấy rầy người bệnh và bòn rút tài chính một cách cực kỳ khủng khiếp. Thực tế, tới một phần ba số tiền được sử dụng để điều trị đái tháo đường ở Mỹ chỉ tiêu tốn vào việc chữa loét chân cho người bệnh.

Nguyên nhân

Vậy tại sao đái tháo đường lại gây bệnh ở chân? Đó là vì da người bệnh đái tháo đường có ít collagen hơn so với người bình thường. Collagen là protein cấu trúc tạo nên sự đàn hồi cho da. Thiếu hụt collagen sẽ khiến da dày sừng, cứng nhưng lại mỏng nên dễ bị nứt vỡ hơn.

Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường có nhiều nguy cơ gặp thương tích trên da, và một khi gặp thương tích vết thương cũng khó chữa lành hơn người bình thường do máu lưu thông kém.

Một người bệnh đái tháo đường có nguy cơ gặp tình trạng máu kém lưu thông gấp 4 lần so với người bình thường. Mạch máu của họ kém đàn hồi hơn, khiến lưu lượng máu cung cấp tới các mô trên cơ thể bị hạn chế. Khi máu lưu thông không tốt, các vết thương ở chân trở nên khó lành và dễ bị nhiễm trùng. Sau đó, chúng sẽ tiến triển thành viêm loét mạn tính.

Các vết thương liên quan đến bệnh đái tháo đường thường xảy ra ở chân và bàn chân, bởi đây là những vùng cơ thể xa tim nhất, nơi máu khó được đẩy đến nhất. Lực tác động từ viện đi lại và sử dụng giày dép cũng có thể gây tổn thương khó lành ở chân người bệnh đái tháo đường. Mặc dù khu vực vết thương của người bệnh đái tháo đường vẫn có chứa các tế bào cần thiết giúp chữa lành cho nó, các tế bào này hoặc là không đủ, hoặc xuất hiện không đúng thời điểm. Nếu vết thương để càng lâu thì càng dễ bị nhiễm khuẩn từ vi khuẩn cơ hội.

Đánh giá biến chứng nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn chân là một trong những biến chứng thường gặp nhất, thời gian nằm viện dài hơn bất kỳ biến chứng nào của đái tháo đường và là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất của đoạn chi dưới không do chấn thương. Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn chân có nguy cơ nhập viện gấp 55 lần và nguy cơ đoạn chi gấp 155 lần so với nhóm không bị nhiễm khuẩn chân.

Nhiễm khuẩn được định nghĩa là sự tăng sinh mạnh của vi trùng, với sự xâm nhập vào mô gây ra những thương tổn mô có hoặc không có đáp ứng viêm của ký chủ. Ở bàn chân đái tháo đường, nhiễm khuẩn này thường thứ phát sau vết thương ở da. Chẩn đoán nhiễm khuẩn chân phải dựa vào lâm sàng (đã được thông qua bởi Đồng thuận quốc tế bàn chân đái tháo đường 2003), không dựa vào vi khuẩn học vì vết thương thường phải có sự cư trú của các chủng vi trùng thường trú của bệnh nhân hoặc những loại vi khuẩn đến từ môi trường bên ngoài hoặc những chủng vi khuẩn nội sinh của bệnh nhân.

Loét chân ở bệnh nhân đái tháo đường thường có nhiều loại vi khuẩn. Diễn tiến đến nhiễm khuẩn và mức độ nặng của nhiễm khuẩn liên quan đến nhiều yếu tố của ký chủ và vi trùng: dạng, kích thước, vị trí và độ sâu của vết thương, tổng trạng và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, loại vi khuẩn và độc tính của vi khuẩn.

Nhiều cơ chế làm cho bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm khuẩn. Giảm cơ chế đề kháng tế bào chủ yếu do tăng đường huyết, có thể làm giảm chức năng bạch cầu đa nhân trung tính: hoá hướng động, kết dính, thực bào và diệt vi khuẩn. Biến chứng mạch máu chi dưới (mạch máu lớn, vi tuần hoàn) giảm cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho mô cũng làm giảm sức đề kháng dễ bị nhiễm khuẩn. Tắc mạch không những thúc đẩy nhiễm khuẩn mà còn làm cho nhiễm khuẩn nặng hơn do cung cấp kém oxy và chất dinh dưỡng, xâm nhập kháng sinh vào mô cũng kém. Ngoài ra, bàn chân có cấu trúc đặc biệt, chia thành 4 khoang bởi các vách gian cơ, khi thông nối trực tiếp hoặc thủng vách gian cơ, nhiễm trùng có thể lan từ khoang này sang khoang lân cận. Hơn nữa, khoang là khoảng không kín, khi nhiễm khuẩn có thể gây ra phù và tăng áp lực trong khoang gây hội chứng khoang dẫn đến thiểu dưỡng, hoại tử mô và huyết khối động mạch nhỏ. Tình trạng tăng áp lực khoang nặng nề hơn khi bệnh nhân tiếp tục đi lại do không nhận cảm được cảm giác đau.

Vi khuẩn có vai trò ảnh hưởng đến độ nặng của nhiễm khuẩn chân đái tháo đường, những vết loét nhiễm khuẩn nặng thường do các vi khuẩn có độc lực mạnh. Ngoài ra nhiễm khuẩn chân đái tháo đường thường nặng, mạn tính và dễ tái phát có thể liên quan 1 phần đến biofilm, là tập hợp đa vi khuẩn trong các tế bào gắn vào lớp nền hoặc gắn giữa chúng với nhau, được bao bọc bởi chất nền polychaccaride ngoại bào do chúng tạo ra. Sau đó các tế bào vi khuẩn này bắt đầu tăng sinh để tạo các dạng kết tụ nhỏ hoặc các khúm vi khuẩn. Với biofilm, vi khuẩn có khả năng được bảo vệ tốt hơn với đáp ứng miễn dịch của ký chủ, tăng khả năng đề kháng với các thuốc kháng sinh; chất nền tạo ra hàng rào hóa học hoặc sinh lý ngăn xâm nhập một số loại kháng sinh, do biofilm là đa vi khuẩn nên sự nhạy cảm kháng sinh không đồng nhất, một số chủng vi khuẩn nhạy với kháng sinh, một số chủng khác không nhạy, ngoài ra biofilm cũng có thành phần chống lại thực bào làm cho bạch cầu khó xâm nhập vào.

Điều trị

Điều trị nên tập trung vào việc chữa lành vết thương và giảm nguy cơ biến chứng. Một số quy mô phân loại tồn tại để phân loại các vết thương, bao gồm cả 2 nổi bật nhất: Hệ thống phân loại vết loét chân bệnh tiểu đường Wagner và Hệ thống phân loại vết thương của Đại học Texas.

Phân loại Wagner gồm có 6 độ: độ 0,1 và 2 liên quan đến độ sâu của vết loét từ mức da lành; độ 3 liên quan đến nhiễm khuẩn, và độ 4, 5 liên quan đến thiếu máu và hoại tử. Phân loại này dựa vào tiêu chuẩn giải phẫu từ mức độ nhẹ nhất đến loét sâu, sau đó mới chuyển sang nhiễm khuẩn, kế tiếp tới mức độ hoại tử. Phân loại này đơn giản, dễ sử dụng, biết được độ nặng của vết loét tăng dần theo độ sâu.

Phân loại Texas cũng đưa độ sâu vết loét làm nền tảng để tiên lượng đoạn chi ở bàn chân người mắc bệnh đái tháo đường ngoài 2 yếu tố tiên lượng quan trọng cho vết loét là nhiễm khuẩn và thiếu máu chi dưới. Phân loại này lấy trục hoành làm phân độ (Grade) để đánh giá độ sâu và lấy trục tung để chia giai đoạn (stage) nhằm đánh giá nhiễm khuẩn và tắc mạch.

Một số biến chứng tiềm ẩn nghiêm trọng nhất bao gồm cắt cụt, hoại tử và viêm tủy xương. Công việc trong phòng thí nghiệm có thể bao gồm số lượng máu đầy đủ để đánh giá các dấu hiệu nhiễm khuẩn, bảng chuyển hóa toàn diện, bảng lipid và A1C để đánh giá bệnh tiểu đường và bệnh đi kèm của bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn, giáo dục chăm sóc bàn chân. Phương pháp tiếp cận điều trị đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua, việc đánh giá vết loét chân đái tháo đường qua các yếu tố đã trình bày giúp cho tiên lượng vết loét tốt hơn, đánh giá được vai trò của từng yếu tố góp phần gây loét, yếu tố nào chính, yếu tố nào phụ giúp cho xử trí thích hợp, điều trị hiệu quả hơn, góp phần giảm thiểu tỉ lệ cắt cụt, giảm thiểu chi phí điều trị.

 

Nguồn: Tổng hợp từ Medscape, Pharmacy Times

DS. Lê Duy - Tạp chí Dược Mỹ phẩm

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bitcoin rơi thẳng về 46.000 USD

Bitcoin rơi thẳng về 46.000 USD

uncategorized - 04/12/2021

Bitcoin rơi thẳng về 46.000 USD

Cách ly F1 tại nhà Quảng Ninh, Hải Dương

Cách ly F1 tại nhà Quảng Ninh, Hải Dương

uncategorized - 15/11/2021

Cách ly F1 tại nhà Quảng Ninh, Hải Dương

Hơn 1.000 F0 tại TP HCM nặng, nguy kịch

Hơn 1.000 F0 tại TP HCM nặng, nguy kịch

uncategorized - 04/08/2021

Hơn 1.000 F0 tại TP HCM nặng, nguy kịch

Người phụ nữ quận 3 tử vong khi gọi cấp cứu âm tính với nCoV

Người phụ nữ quận 3 tử vong khi gọi cấp cứu âm tính với nCoV

uncategorized - 28/07/2021

Người phụ nữ quận 3 tử vong khi gọi cấp cứu âm tính với nCoV

Ngành Y tế TP.HCM sẽ tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để kiểm soát dịch

Ngành Y tế TP.HCM sẽ tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để kiểm soát dịch

uncategorized - 09/07/2021

Ngành Y tế TP.HCM sẽ tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để kiểm soát dịch

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới