Hành trình phát triển các loại vaccine phòng dịch bệnh
Ở Mỹ, việc phát triển vaccine buộc phải trải qua nhiều bước, gồm: các giai đoạn thăm dò; thử nghiệm tiền lâm sàng; ứng dụng thuốc mới; bốn giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine trên gnười; khâu kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng, hiệu quả, mức độ an toàn của vaccine. Bước cuối cùng cần có sự phê duyệt từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA).
Toàn bộ quá trình trên có thể mất đến vài năm. Song vẫn có một số loại trải qua quãng đường dài như thế nhưng không cho thấy hiệu quả như mong đợi.
Dưới đây là hành trình đầy "chông gai" mà một số loại vaccine tiêu biểu, chống lại các đại dịch truyền nhiễm trong quá khứ phải trải qua, để được phê duyệt vào chương trình vaccine quốc tế như hiện tại.
Đậu mùa
Việc loại bỏ bệnh đậu mùa bằng vaccine được coi là một trong những thành tựu lớn nhất trong lịch sử y tế cộng đồng. Đây cũng là bước đi đầu tiên, mở ra một loạt những thành công trong nghiên cứu vaccine, chặn đứng nhiều đại dịch nguy hiểm trên toàn cầu bằng phương pháp tiêm chủng. Tuy nhiên, các nhà khoa học trong quá khứ đã phải mất đến vài thế kỷ để chạm đến thành tựu vĩ đại này.
Nguồn gốc khởi phát của bệnh đậu mùa đến nay vẫn chưa rõ. Thế kỷ 18, nó trở thành một trong những đại dịch nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong tới 30%.
Năm 1796, Edward Jenner ở Anh đã tạo ra loại vaccine đậu mùa thành công đầu tiên. Nhưng mãi đến những năm 1950, các phương pháp điều trị bằng chủng ngừa mới bắt đầu loại bỏ căn bệnh này ở một số nơi trên thế giới. Đến năm 1980, đậu mùa đã chính thức bị "xóa sổ". Cho đến nay, đậu mùa vẫn là căn bệnh duy nhất được loại bỏ hoàn toàn trên toàn thế giới thông qua các nỗ lực tiêm chủng. Nhờ phát minh tiên phong trong lịch sử, Jenner đến nay được xem là cha đẻ của miễn dịch học.
Dịch hạch
Đây là một trong những căn bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất thế giới. Đỉnh điểm, dịch hạch khiến số người tử vong lên đến gần 200 triệu ca. Song đến nay vẫn chưa có loại vaccine dịch hạch được cấp phép nào.
Tuy là căn bệnh khởi phát từ thời trung cổ, nhưng đến nay dịch hạch vẫn còn xuất hiện ở một số khu vực trên thế giới. Gần đây nhất là năm 2017, một ổ bệnh dịch hạch xuất hiện ở Madagascar đã thu hút sự chú ý và gây hoang mang trên diện rộng.
Dịch hạch bản chất là một căn bệnh do vi khuẩn lây lan. Sự ra đời của kháng sinh hiện đại có thể dùng để điều trị. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng phát triển vaccine là lựa chọn khả thi nhất để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh lâu dài.
Nhiều đơn vị nỗ lực nghiên cứu vaccine dịch hạch trước đó đã thất bại. Nhưng vào năm 2018, WHO đã đưa ra Hồ sơ sản phẩm mục tiêu vaccine bệnh dịch hạch. Trong đó liệt kê 17 "ứng viên" tiềm năng đang trải qua các thử nghiệm lâm sàng và chờ phê duyệt của FDA.
Thương hàn
Đây là một căn bệnh có thể gây chết người với mức độ lây lan rộng rãi qua nguồn thực phẩm và nước. Mặc dù thương hàn kém phổ biến ở các khu vực công nghiệp hóa, song nó vẫn là một mối đe dọa đáng kể ở các quốc gia đang phát triển trên khắp Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Hiện thế giới có sẵn hai loại vaccine dùng ngăn ngừa bệnh thương hàn. Sau khi vi khuẩn gây bệnh được phát hiện vào năm 1880, các nhà khoa học Đức lần đầu tiên bắt đầu nghiên cứu chủng ngừa vào năm 1896.
Năm 1909, bác sĩ quân đội Mỹ Frederick F. Russell đã phát triển vaccine thương hàn đầu tiên. "Ứng viên" này được phê duyệt và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Mỹ vào năm 1914. Ngày nay, bệnh thương hàn tuy không còn phổ biến ở Mỹ nhưng vẫn không thể phủ nhận hiệu quả ngừa bệnh mà vaccine này mang lại trong lịch sử.
Sốt vàng (Yellow fever)
Năm 1951, Max Theiler trở thành nhà khoa học đầu tiên và duy nhất nhận được giải thưởng Nobel về phát triển vaccine. Những nỗ lực kiểm soát bệnh sốt vàng của ông được cộng đồng khoa học ca ngợi rộng rãi.
Sốt vàng đã khiến không ít người tử vong trong suốt hơn 500 năm. Đến cuối thế kỷ 19, nó được biết đến là một trong những mối đe dọa trên toàn thế giới. Năm 1918, các nhà khoa học tại Viện Rockefeller đã phát triển chủng ngừa, thứ mà họ nghĩ là vaccine sốt vàng thành công đầu tiên.
Tuy nhiên vào năm 1926, Theiler đã chứng minh vaccine trên bị lỗi và nó bị buộc phải ngừng sản xuất. Hơn một thập kỷ sau, năm 1937, Theiler đã tạo ra vaccine sốt vàng mới, đảm bảo an toàn và hiệu quả đầu tiên, từ đó trở thành tiêu chuẩn toàn cầu.
Cúm (Influenza)
Cúm có một lịch sử lâu đời khiến cho hàng triệu người tử vong trên toàn thế giới. Trong đại dịch cúm năm 1918, không có phương pháp chữa trị hay chủng ngừa nào tồn tại. Bắt đầu từ những năm 1930, phải mất nhiều thập kỷ để các nhà khoa học nghiên cứu hiểu được sự phức tạp của virus cúm. Mãi đến năm 1945, chủng ngừa cúm đầu tiên mới được chấp thuận sử dụng ở Mỹ.
Nhưng chỉ hai năm sau, vào năm 1947, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng sự thay đổi theo mùa của virus khiến việc tiêm chủng không hiệu quả. Virus cúm phát triển thành cúm A, cúm B và nhiều loại mới khác mỗi năm. Vì lẽ đó, các nhà khoa học đã phải điều chỉnh vaccine cúm hàng năm.
Ngày nay, vaccine cúm mùa được WHO sử dụng dữ liệu thu thập từ các trung tâm giám sát dịch cúm, phát triển một loại vaccine mới dựa trên ba chủng có khả năng gây hại trong mùa tới.
Bại liệt
Đến cuối những năm 1800, bại liệt mới được xem là dịch. Vào đầu thế kỷ, bệnh bại liệt khiến nhiều bệnh nhân tại Mỹ bị tê liệt hoặc tàn tật suốt đời. Năm 1935, một cuộc tiêm chủng đã được tiến hành thử nghiệm, đầu tiên là trên khỉ và sau đó là trẻ em ở California, Mỹ.
Sau một thử nghiệm với hơn 1,6 triệu trẻ em, vaccine của Jonas Salk đã được áp dụng ở Mỹ vào năm 1955. Các nhà nghiên cứu vẫn liên tục nỗ lực suốt từ 1980 trở đi để tạo ra một loại vaccine mới hiệu quả hơn loại nguyên bản. Đến năm 1994, bệnh bại liệt đã được loại bỏ ở châu Mỹ.
Trên thế giới, các nhà khoa học đã và đang làm việc với tốc độ kỷ lục để phát triển một loại vaccine nCoV với hy vọng có thể chặn đứng sự lây lan của Covid-19 - đại dịch đã khiến hơn 14 triệu người nhiễm và gần 605.000 ca tử vong.
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị chính thức. Nhiều người vẫn kỳ vọng rằng một loại vaccine nCoV hoàn thiện là cách ngắn gọn nhất để chặn đứng sự bùng phát của Covid-19 trong tương lai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện trên toàn cầu có hơn 150 đơn vị tham gia nghiên cứu vaccine nCoV; hơn 10 "ứng viên" đã và đang tiến đến bước thử nghiệm lâm sàng trên người.
Thy An (Theo Business Insider)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo