Những dấu hiệu đột quỵ chết người nếu bỏ qua
Cơn đột quỵ xảy ra đột ngột, tuy nhiên, trước đó, một tuần đến vài tháng, cơ thể đã phát ra các tín hiệu cảnh báo. Song vì chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về đột quỵ và các dấu hiệu mà người dân thường bỏ lỡ cơ hội tự cứu chính mình.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Trung Thành, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, dấu hiệu cảnh báo sớm và đặc trưng nhất của bệnh lý đột quỵ là cơn thiếu máu não thoáng qua. Trình trạng này xảy ra do sự ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não trong thời gian ngắn.
Các triệu chứng thiếu máu não thoáng qua là một cơn đột quỵ nhẹ, xảy ra nhanh chóng, chỉ một vài phút đến vài giờ. Bệnh nhân bất ngờ đau đầu, chóng mặt, tay chân tê bì, yếu nửa người, khó nói, khó đi lại, mặt rủ xuống một bên, miệng lệch... Sau đó, cơ thể tự hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ. Vì sớm trở lại bình thường nên người bệnh nhầm lẫn với trúng gió hoặc hạ canxi.
Bác sĩ Thành cho biết, khoảng 7% bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ bị đột quỵ trong vòng 1 tuần và trên 14% những bệnh nhân khác bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó.
"Bỏ qua dấu hiệu này, bạn khiến cái chết do đột quỵ đến gần mình hơn", bác sĩ Thành nói.
Do đó, khi thấy những bất thường, người bệnh cần ngay lập tức đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn phòng ngừa bệnh đột quỵ trước khi mọi việc trở nên quá muộn. Các bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp phù hợp gồm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, nếu bệnh nhân hút thuốc lá, nghiện rượu. Hoặc điều trị bệnh lý nền, là nguyên nhân gây ra đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, tăng cholesterol, bệnh tim mạch, bệnh lý tăng đông máu...
Đồng thời, người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông máu để phòng ngừa đột quỵ tái phát thực sự.
Dấu hiệu thứ hai là tăng huyết áp. Bác sĩ Thành cho biết, nếu huyết áp một người ở mức 180 mmHg (người bình thường dưới 140/90 mmHg) là tình trạng sức khỏe ở mức "báo động đỏ". Hệ thần kinh, tim mạch, nội tạng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người bệnh các tổn thương cơ quan đích như đau ngực, khó thở, đau lưng, yếu liệt chi, suy giảm ý thức, nói khó, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn thì đột quỵ đã cận kề. Đây được coi là tăng huyết áp cấp cứu, cần cấp cứu ngay trong 1-2 giờ. Nếu bỏ lỡ, nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sĩ Thành cảnh báo, tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ: "9/10 người đột quỵ ở Việt Nam có liên quan đến tăng huyết áp. Bị tăng huyết áp mà không biết là sai lầm lớn nhất, nguy hiểm nhất của con người".
Sơ cứu sai làm tăng di chứng đột quỵ và tỷ lệ tử vong. Năm 2019 bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận 1025 ca đột quỵ, nhưng chỉ 93 trường hợp đến cấp cứu trong khung thời gian có thể tái thông mạch máu. Tức là có đến 90% bệnh nhân đến viện quá muộn, tình trạng đột quỵ đã nặng, bác sĩ không thể can thiệp được nhiều.
Thời gian vàng cứu sống bệnh nhân đột quỵ là từ 0-6 giờ sau khi khởi phát triệu chứng. Song vì thiếu kiến thức, thân nhân người bệnh thao tác sai, thừa. Có trường hợp người nhà cạo gió, bệnh nhân đến tím người, bấm huyệt, châm cứu không hiệu quả, tình trạng nguy kịch hơn mới đưa đến bệnh viện. Nhiều người nhầm lẫn đột quỵ với tụt đường huyết, cho người bệnh ăn uống khiến thức ăn trào ngược vào đường thở rất nguy hiểm.
Bác sĩ Thành khuyên người dân nên chủ động phòng ngừa và tìm hiểu các dấu hiệu đột quỵ để sơ cứu đúng. Quan trọng nhất, phải gọi cấp cứu, đưa vào viện càng nhanh càng tốt khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ. Việc đưa bệnh nhân đến đúng cơ sở y tế có chuyên khoa điều trị đột quỵ ngay từ đầu sẽ rút ngắn thời gian não bị tổn thương.
Theo bác sĩ Thành, từ năm 2016, điều trị đột quỵ não bằng tái thông mạch máu đã rất phổ biến và được chứng minh hiệu quả cao. Phương pháp này bao gồm sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và lấy huyết khối bằng dụng cụ, được áp dụng trong 6 giờ đầu tiên. Tất cả bệnh nhân đều hồi phục tốt, giảm thiểu di chứng đột quỵ tối đa.
Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não là bệnh lý do tình trạng một phần não bị tổn thương đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Tại nước ta, ước tính hàng năm có khoảng 200.000 người bị đột qụy, khoảng 50% trong số đó tử vong.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo