Tẩm quất sai cách hiểm họa khôn lường
Người này vào điều trị tại Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM - Cơ sở 3. Bác sĩ cho biết trường hợp này nếu nặng hơn có thể khiến bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, thậm chí đứt tủy gây liệt hai chân. Một nam bệnh nhân 60 tuổi, sau khi được "bẻ cổ" tẩm quất đã bị đau cổ, không cử động được cổ cả tháng trời, may mắn không bị tổn thương đến mức liệt tứ chi.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày) cho biết, hàng chục bệnh nhân khác gặp biến chứng do tự điều trị đau xương, khớp bằng cách tẩm quất, khám tại Đơn vị trong thời gian gần đây. Một số trường hợp âm thầm chịu đựng, khi đến bệnh viện biến chứng đã quá nặng, không thể phục hồi.
"Nhiều người bị đau nhức cơ xương khớp không đến bệnh viện khám điều trị mà tự chữa bằng cách tẩm quất, massage, dẫn đến hậu quả khôn lường như liệt tứ chi, thậm chí tử vong", bác sĩ Vũ nói.
Theo bác sĩ, nắn xương chỉnh khớp là phương pháp điều trị phổ biến như nắn xương gãy, chỉnh khớp bị trật ở khoa chấn thương chỉnh hình; nắn bong gân, trật khớp, thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau cổ, phục hồi sau đột quỵ hoặc phẫu thuật trong y học cổ truyền; trị liệu thần kinh cột sống... Tuy nhiên, không phải tình trạng nào của cơ, xương, khớp cũng có thể bẻ, nắn được. Ngoài ra, nắn chỉnh chỉ là một trong nhiều phương pháp điều trị có thể lựa chọn bên cạnh vật lý trị liệu, uống thuốc, châm cứu, xoa bóp - bấm huyệt, hoặc cần kết hợp nắn chỉnh với các phương pháp khác mới hiệu quả.
Người thầy thuốc thực hiện nắn chỉnh xương khớp cho bệnh nhân phải được đào tạo và có chuyên môn, kiến thức về các bệnh lý cơ xương khớp; hiểu trường hợp chỉ định và chống chỉ định, kỹ thuật được phép thực hiện tại mỗi vùng cơ thể. Thầy thuốc khi tiến hành trị liệu phải nắm được biên độ vận động của khớp; hiểu rõ tình trạng người bệnh, chẩn đoán rõ ràng lâm sàng và cận lâm sàng.
Thầy thuốc không có chuyên môn sẽ dễ gây hại cho cơ thể bệnh nhân, bác sĩ Vũ cho hay. Ví dụ, vùng cổ là vùng quan trọng và nguy hiểm. Tại vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não. Thao tác sai gây chấn thương vùng cổ có thể gây yếu liệt tứ chi, tổn thương mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây đột quỵ (tai biến mạch máu não); hoặc nhẹ hơn là có thể gây căng cơ và đau nhiều hơn.
Nếu người bệnh loãng xương, lao xương hoặc ung thư xương mà nắn chỉnh quá mạnh có thể gãy xương, gây đau hoặc mất máu và ảnh hưởng đến tính mạng. Lạm dụng nắn chỉnh có thể gây giãn dây chằng, bao khớp, làm mất vững các cấu trúc, tăng nguy cơ thoái hóa, chèn ép thần kinh.
Một sai lầm khác của người bệnh là thích nghe tiếng "rắc rắc" khi đi nắn chỉnh xương khớp, cho rằng như vậy mới có hiệu quả. Do đó, một số người tiến hành kỹ thuật nắn chỉnh xương khớp có thể vì thỏa mãn nhu cầu này của người bệnh mà không chú trọng vào việc điều trị sao cho đúng.
Bác sĩ Vũ cho biết, tiếng "rắc rắc" có thể xảy ra bất cứ khi nào các khớp mặt của cột sống được điều khiển di lệch ra khỏi hoặc trở về vị trí bình thường của chúng. Khi các khớp chuyển động, chúng tạo ra âm thanh, kèm theo cảm giác thoải mái, giãn cơ do giảm áp lực đột ngột. Tiếng động này là hiện tượng vô hại và phổ biến, miễn là sau bẻ người bệnh không đau đớn hoặc không có vấn đề đáng lo ngại khác.
Khi có dấu hiệu đau, sưng, mỏi xương khớp hoặc mắc bệnh lý từ trước, người bệnh nên điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình hoặc chuyên khoa xương khớp.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Người đàn ông tử vong trong lúc tập gym ở Hải Dương
Tập luyện - 15/12/2023
Người đàn ông tử vong trong lúc tập gym ở Hải Dương
Những bệnh lý nguy hiểm người chơi thể thao cần biết
Tập luyện - 03/11/2023
Những bệnh lý nguy hiểm người chơi thể thao cần biết
Coi chừng thành tật vì bẻ khớp cổ trị đau vai gáy
Tập luyện - 24/10/2023
Coi chừng thành tật vì bẻ khớp cổ trị đau vai gáy
Thừa cân, béo phì có xu hướng trẻ hóa
Tập luyện - 14/10/2022
Thừa cân, béo phì có xu hướng trẻ hóa
Tại sao người già bị còng lưng?
Tập luyện - 23/06/2022
Tại sao người già bị còng lưng?